Nơi cấp căn cước công dân ở đâu? Hướng dẫn ghi nơi cấp CCCD

Nơi cấp căn cước công dân ghi ở đâu

Nhiều người vẫn chưa hiểu rõ cách ghi nơi cấp căn cước công dân. Vậy tra cứu nơi cấp căn cước công dân ở đâu? Nơi cấp căn cước công dân ghi như thế nào? Cùng Blog TopCV tìm hiểu về cách ghi căn cước công dân trong bài viết sau đây nhé!

Tìm hiểu về thẻ căn cước công dân

Thẻ căn cước công dân được bắt đầu phát hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhằm thay thế cho chứng minh nhân dân. Đây là loại thẻ ghi chú các thông tin về lai lịch của một cá nhân, bao gồm:

  • Họ và tên đầy đủ
  • Ngày tháng năm sinh
  • Giới tính
  • Quốc tịch
  • Quê quán
  • Địa chỉ thường trú
  • Số thẻ căn cước công dân – hay còn gọi là mã định danh
  • Đặc điểm nhận dạng

Theo quy định trong Luật căn cước công dân, mọi công dân Việt Nam khi đủ 14 tuổi đều sẽ cấp thẻ căn cước công dân. Từ năm 2021 bắt đầu áp dụng mẫu thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, thẻ căn cước công dân không chỉ có giá trị sử dụng thay thế cho chứng minh nhân mà còn có giá trị thay thế cho hộ chiếu. Bên cạnh đó, thẻ căn cước công dân còn được sử dụng để thay thế cho hộ chiếu tại một số quốc gia.

>>> Tham khảo thêm: Địa chỉ thường trú là gì? Hướng dẫn viết địa chỉ trong hồ sơ xin việc

Hướng dẫn ghi nơi cấp căn cước công dân chính xác nhất

Sai lầm khi ghi nơi cấp căn cước công dân

Khi căn cước công dân (CCCD) chưa được phát hành, thông tin trong chứng minh nhân dân (CMND) được sử dụng để khai báo cho các giấy tờ và thủ tục. Thông tin về nơi cấp được ghi chú cụ thể ở mặt sau của chứng minh nhân dân và thường thống nhất là “Công an tỉnh X” (X là tên tỉnh).

Ở thời điểm căn cước công dân được phát hành thay thế cho chứng minh nhân dân, nhiều người không chú ý sự thay đổi thông tin nơi cấp, vẫn ghi nơi cấp là “Công an tỉnh X”.

Tuy nhiên, cách ghi thông tin này là thiếu chính xác. Theo mẫu thẻ căn cước công dân mới nhất được phát hành bởi Bộ Công an, nơi cấp thẻ căn cước công dân chính là thông tin trên con dấu được in phía sau thẻ căn cước công dân.

Nơi cấp căn cước công dân trong thẻ mã vạch

Trong thẻ căn cước công dân mã vạch, nơi cấp căn cước công dân được ghi ở góc dưới cùng phía bên tay phải. Phía trên đó là đặc điểm nhận dạng và mã vạch. Phía bên trái là dấu dữ liệu dấu vân tay.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến nay, thẻ căn cước công dân mã vạch đã được phát hành 2 lần.

Lần thứ nhất phát hành thẻ căn cước công dân mã vạch là ngày 01 tháng 01 năm 2016, trong đó nơi cấp căn cước công dân được thống nhất ghi là Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư.

Lần thứ hai phát hành mẫu thẻ căn cước mã vạch là ngày 10 tháng 10 năm 2018, trong đó nơi cấp căn cước công dân đã được thay đổi thành Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Nơi cấp căn cước công dân trong thẻ gắn chíp

Khác với thẻ căn cước công dân mã vạch, trong thẻ căn cước công dân gắp chíp được phát hành sau đó, nơi cấp căn cước công dân được ghi ở phía bên trái của mặt sau, mục thứ ba tính từ trên xuống.

Cụ thể, đối với tất cả các thẻ căn cước công dân gắn chíp, nơi cấp căn cước công dân được thống nhất là Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Các thành phần còn lại trong mặt sau thẻ căn cước công dân gắn chíp bao gồm:

  • Đặc điểm nhận dạng: Được ghi ở góc trên cùng phía bên trái.
  • Ngày tháng năm cấp thẻ: Được ghi ngay phía dưới thông tin về đặc điểm nhận dạng.
  • Chíp điện tử: Được đặt ngay dưới thông tin về nơi cấp căn cước công dân.
  • Dấu vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải: Được đặt ở phía bên phải trên cùng.
  • MRZ: Được đặt ở phía dưới cùng.

Như vậy, bạn cần dựa trên thông tin trên con dấu ở mặt sau của thẻ căn cước công dân để ghi nơi cấp căn cước công dân. Cụ thể hơn, nơi cấp căn cước công dân là “Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư” đối với các thẻ được cấp trước ngày 10 tháng 10 năm 2018 và “Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” đối với các thẻ được cấp sau thời điểm đó.

>>> Tham khảo thêm: 1 tháng được nghỉ phép bao nhiêu ngày? Quy định nghỉ phép ra sao?

Căn cước công dân được cấp tại đâu?

Các văn phòng cơ sở quản lý căn cước công dân trực thuộc Bộ Công an đều có thể cấp thẻ căn cước công dân. Công dân cũng có thể đến những nơi này để làm thủ tục xin cấp lại thẻ căn cước công dân đã bị mất.

Danh sách những cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ căn cước công dân bao gồm:

  • Phỏng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
  • Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an
  • Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
  • Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các đơn vị hành chính tương đương

Đặc biệt, bạn có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại địa phương mình đang sinh sống mà không cần phải quay về nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú.

Ví dụ, bạn có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, hiện tại đang làm việc tại Hà Nội thì có thể làm thủ tục cấp căn cước công dân tại Cơ quan quản lý căn cước công dân thuộc Công an Hà Nội mà không cần quay về Hải Phòng để làm căn cước công dân.

Tham khảo thêm quy trình xin cấp thẻ căn cước công dân

Để được cấp thẻ căn cước công dân, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ hồ sơ sau đây:

  • Bản chính Sổ hộ khẩu
  • Tờ khai căn cước công dân, số lượng 01, sử dụng mẫu CC01
  • Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, số lượng 01, sử dụng mẫu CC02

Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị thêm Chứng minh nhân dân, Giấy khai sinh hoặc một số giấy tờ khác để chứng minh và bổ sung cho những thông tin cần điền vào Tờ khai căn cước công dân.

Thủ tục xin cấp căn cước công dân được thực hiện theo 2 bước sau đây:

  • Bước 1: Hoàn thành Tờ khai căn cước công dân và nộp tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Công an cấp tỉnh.Bên cạnh đó, bạn cũng có thể khai thông tin trên Tờ khai điện tử được cung cấp trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.
  • Bước 2: Hồ sơ được cán bộ chuyên trách tiếp nhận. Người làm căn cước công dân cần xuất trình Sổ hộ khẩu. Nếu đủ điều kiện cấp căn cước công dân thì sẽ tiến hành lấy dấu vân tay, chụp ảnh chân dung và cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân.

Thời hạn trả thẻ căn cước công dân là 07 ngày làm việc. Công dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân vào các ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần.

Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thẻ căn cước công dân được miễn phí. Công dân chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân sẽ phải nộp lệ phí là 30.000đ/ thẻ.

Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thẻ căn cước công dân

Làm thẻ căn cước công dân mang theo giấy tờ gì?

Những giấy tờ bạn cần mang theo khi làm thủ tục xin cấp thẻ căn cước công dân bao gồm: Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân cũ, giấy khai sinh và những giấy tờ chứng minh thay đổi nhân thân khác phòng trường hợp cần thiết.

Làm thẻ căn cước công dân vào thứ bảy, chủ nhật có được không?

Các cơ quan có thẩm quyền chỉ nhận hồ sơ và cấp thẻ căn cước công dân vào các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, do đó công dân không thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân vào thứ bảy và chủ nhật.

Bao nhiêu tuổi được cấp thẻ căn cước công dân?

Trích theo Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước công dân.

Mặc gì khi đi làm thủ tục xin cấp thẻ căn cước công dân?

Khi đi làm thẻ căn cước công dân, bạn cần phải chụp hình chân dung, vì vậy, hãy mặc trang phục chỉnh tề để chụp hình. Bạn nên mặc áo sơ mi trắng có cổ và không có họa tiết nổi bật. Bên cạnh đó, bạn cần chải đầu tóc gọn gàng và không nên trang điểm.

Làm căn cước công dân ở tỉnh khác cần mang theo những giấy tờ gì?

Bạn có thể làm thẻ căn cước công dân ở tỉnh khác, khi đi cần mang theo những giấy tờ sau đây: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân cũ (nếu làm thủ tục đổi thẻ căn cước công dân), bản chính Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh và Sổ tạm trú.

Khung giờ làm căn cước công dân?

Các cơ quan cấp mới hoặc cấp lại thẻ căn cước công dân đều là các cơ quan Nhà nước, do đó sẽ làm việc theo giờ hành chính. Cụ thể, giờ làm việc buổi sáng là từ 08 giờ đến 12 giờ, giờ làm việc buổi chiều là từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ.

Làm thế nào để có ảnh căn cước công dân đẹp?

Để có một bức ảnh căn cước công dân đẹp, bạn cần mặc trang phục chỉn chu (áo sơ mi trắng có cổ, không có nhiều họa tiết nổi bật), điều chỉnh tư thế ngồi và biểu cảm khuôn mặt (đứng hoặc ngồi thẳng lưng, đầu thẳng, hơi cúi nhẹ, mắt mở to, nhìn thẳng vào ống kính máy ảnh, hai vai thả lỏng, điều chỉnh tư thế thoải mái và mỉm cười nhẹ).

Đi xin việc có cần căn cước công dân không?

Một số công ty yêu cầu nhân viên cung cấp căn cước công dân để xác minh danh tính. Cụ thể, bạn sẽ cần cung cấp số thẻ căn cước công dân, ngày cấp và nơi cấp trong sơ yếu lý lịch được đính kèm trong hồ sơ xin việc.

Bên cạnh sơ yếu lý lịch, bạn cũng cần gửi kèm CV trong hồ sơ xin việc. CV tóm tắt thông tin ứng tuyển của ứng viên và là căn cứ để nhà tuyển dụng sơ loại ứng viên. Do đó, bạn cần chuẩn bị một chiếc CV thật ấn tượng.

Nếu bạn chưa ưng ý với CV viết tay thì hãy truy cập ngay trang chủ Top CV để tham khảo cách viết CV và hàng nghìn mẫu CV cực kỳ ấn tượng dành cho mọi ngành nghề và mọi vị trí công việc. CV xin việc được viết tốt chính là tiền đề nâng cao tỷ lệ trúng tuyển.

Trên đây, bài viết đã cung cấp cho bạn đọc cách tra cứu nơi cấp căn cước công dân và hướng dẫn ghi thông tin nơi cấp công dân trong các giấy tờ hành chính. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp mới thẻ căn cước công dân miễn phí. Lệ phí để cấp lại thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng/ thẻ. Khi đi làm căn cước công dân hãy mặc áo sơ mi trắng có cổ, để đầu tóc gọn gàng và không trang điểm. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ có giá trị tham khảo đối với bạn đọc!