Nhân quyền – quyền con người, quyền công dân – là nội dung lớn được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, trên cơ sở kế thừa, phát triển các Hiến pháp trước đó. Đồng thời, nó được đảm bảo thực thi trên thực tế, đạt được những thành tựu quan trọng, trở thành mục tiêu, động lực phát triển của xã hội. Đó là sự thật không thể phủ nhận.
Ở Việt Nam, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, người dân hầu như không có các quyền, kể cả quyền sống. Chỉ sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, quyền con người mới chính thức được xác lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề quyền con người luôn được quan tâm đặc biệt, trở thành một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong đường lối xây dựng, phát triển đất nước.
Ngay sau khi giành chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của “Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”1. Trong bản Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – đã xác định chủ thể quyền lực của nước Việt Nam mới là: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều 1). Kế thừa tư tưởng tiến bộ đó, ở các bản Hiến pháp tiếp theo, vấn đề quyền con người liên tục có sự phát triển, được thể hiện ngày càng hoàn thiện. Gần đây nhất, Hiến pháp năm 2013 đã dành Chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, với 38 điều quy định, đặt ngay sau chương I – Chế độ chính trị. Trong đó, một nguyên tắc xuyên suốt được khẳng định là: Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng. Nội dung này đã thể hiện rõ quan điểm nhất quán, tiên quyết và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo, thực thi quyền con người, quyền công dân; đồng thời, nó “ngăn chặn” hành vi xâm phạm, hạn chế quyền con người, quyền công dân từ phía các cơ quan, nhân viên công quyền. Việc Hiến pháp năm 2013 dành sự ưu tiên và hiến định đầy đủ nhất về quyền con người cho thấy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn coi việc phát triển, hoàn thiện quyền con người vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển. Đồng thời, quyết tâm thực hiện nghiêm thỏa thuận quy định của Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Nó còn đánh dấu bước phát triển toàn diện hơn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Việt Nam.
Việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người không chỉ dừng lại ở việc quy định trong Hiến pháp, mà còn được khẳng định trên những tiêu chí và kết quả cụ thể; trong đó, biểu hiện rõ nét nhất là các lĩnh vực, như: xóa đói giảm nghèo, phát triển các nhóm chính sách xã hội cho người dân, quyền bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật, v.v.
Trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã đạt thành tựu quan trọng, hoàn thành trước thời hạn phần lớn các Mục tiêu Thiên niên kỷ, trở thành hình mẫu của Liên hiệp quốc (LHQ). Ước tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 là 7,6% đến 7,8%, giảm khoảng từ 0,8% đến 2% so với năm 2012; thu nhập bình quân tăng gần 2 lần trong 5 năm qua. Từ năm 2009, thông qua các chương trình phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, đến nay đã có hơn 530.000 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở; 62 dự án với tổng quy mô 11.719 căn hộ được hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho 67.600 công nhân lao động tại các khu công nghiệp; 163 khối nhà cho sinh viên đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng khoảng 140.000 chỗ ở. Bên cạnh đó, Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy các nhóm chính sách trợ cấp xã hội ngày càng đồng bộ hơn. Chính sách giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (như miễn, giảm học phí cho con hộ nghèo, hộ chính sách, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ đến 5 tuổi) được Nhà nước thi hành tích cực, có hiệu quả. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu vì con người, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển đất nước. Vì vậy, mà Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn cầu về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) vinh danh là 01 trong 38 quốc gia có nhiều thành tích trong xóa đói giảm nghèo.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới. Tiêu biểu như: Chiến lược quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ theo quy định của Luật Bình đẳng giới (năm 2006), cũng như Công ước của LHQ về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Hiện nay, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011 – 2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN). Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 6-2012, quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 04 tháng lên 06 tháng. Bên cạnh đó, chúng ta còn tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ,… Kết quả xếp hạng năm 2013 của LHQ về chỉ số bình đẳng giới (GII), Việt Nam xếp thứ 48/150 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia vào năm 2010. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt được thành tựu quan trọng trong bảo đảm bình đẳng giới, được quốc tế ghi nhận.
Trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Việt Nam cũng đạt thành tựu quan trọng. Mới đây, ngày 31-5-2014 tại phiên họp lần thứ 60 ở thành phố Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Ủy ban Quyền trẻ em LHQ nhận xét: ở Việt Nam, hệ thống pháp luật đến nay đã tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của Công ước về Quyền trẻ em (CRC). Và trên thực tế, Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, chính sách cụ thể đạt hiệu quả tích cực, có ý nghĩa xã hội to lớn, như: trẻ em thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, dưới sáu tuổi được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh; chương trình phòng chống lao, HIV/AIDS, tiêm chủng,… Đặc biệt trong trong công tác giáo dục, đến tháng 12-2011, có 100% tỉnh, thành phố, quận, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 99,4% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; 100% số tỉnh miền núi có trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú dành cho trẻ em là người dân tộc thiểu số.
Đối với người khuyết tật, Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong năm 2014. Năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật, đồng thời, Chính phủ cũng triển khai một loạt các chính sách nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp, như: đề án trợ giúp phục hồi chức năng cho người tâm thần, hỗ trợ thành lập các tổ chức tự lực của người khuyết tật, đào tạo nghề và tạo việc làm, cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các công trình văn hoá, công cộng và các dịch vụ xã hội cơ bản khác, v.v.
Từ những thành tựu trên mà Hội đồng Nhân quyền LHQ, tại phiên họp năm 2013, đã tín nhiệm bầu Việt Nam là thành viên của Hội đồng này với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, đứng đầu trong số các nước trúng cử. Gần đây, tại phiên rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 (từ ngày 02 đến ngày 09-02-2014), tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), đa số các nước đánh giá Báo cáo UPR của Việt Nam có chất lượng tốt, cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình đảm bảo quyền con người ở Việt Nam; đồng thời, mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp to lớn hơn nữa trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. Đặc biệt là, ngày 07-4-2014, Hạ nghị sỹ Fa-leo-ma-vae-ga, thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ rất hoan nghênh Báo cáo này của Việt Nam và bày tỏ sự tán đồng với những thành tựu được nêu trong báo cáo, như: tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo và bảo đảm quyền của tù nhân. Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về nhân quyền, trong đó có việc Việt Nam tham gia đối thoại hằng năm với các đối tác, như: Mỹ, EU.
Những đánh giá, ghi nhận từ chính Hạ viện Mỹ và các quốc gia, tổ chức quốc tế một lần nữa khẳng định, thành tựu nhân quyền ở Việt Nam là rất to lớn; là sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong thực hiện Quyền con người. Đó chính là bằng chứng khách quan không thể phủ nhận và càng khẳng định không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được thế giới tín nhiệm cao về lĩnh vực nhân quyền. Còn những kẻ luôn cố tình bám víu “chiêu bài nhân quyền” để phục vụ ý đồ xấu đối với Việt Nam, quay ngược lại bánh xe lịch sử, chắc chắn sẽ bật khỏi xu hướng tiến bộ của nhân loại.
ANH VŨ _______
1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 175.